Cách thủ đô Amman (Jordan) gần 200km, có một thành phố cổ với các công trình kiến trúc được tạc trên những tảng đá sa thạch khổng lồ đầy ấn tượng và huyền bí. Thành cổ đó chính là Petra, được tìm thấy bởi một nhà thám hiểm người Thụy Sĩ. Vậy tại sao một thủ phủ từng có nền văn minh phát triển bậc nhất Trung Đông lại bị bỏ hoang giữa thung lũng cằn cỗi này?
Một thời quá khứ vàng son
Theo những bằng chứng khảo cổ, văn minh nhân loại đã xuất hiện từ rất sớm tại khu vực núi đá Petra, với những di vật khảo cổ, tài liệu không thể chối cãi nguồn gốc của những chủ nhân đầu tiên đặt chân lên vùng đất thánh này. Những người cổ đại đã biết thuần hóa những loài súc vật để phục vụ cho nông nghiệp để có được một nguồn thức ăn ổn định hơn là việc trồng trọt giữa thung lũng đá khô cằn.
Thành cổ Petra từng là một trạm thông thương buôn bán sầm uất của người Nabataeans – một bộ lạc Ả Rập với lối sống du mục trong những túp lều trên sa mạc hoang vu. Trong vài năm ngắn ngủi, tộc người này có thể xây dựng những tượng đài ấn tượng và hùng vĩ ẩn giấu ngay sau khe đá hẹp trên núi. Thời kì thịnh vượng của nơi này bắt nguồn từ nhu cầu trao đổi hàng hóa tăng cao giữa các quốc gia. Cũng vì thế, Petra dần trở thành trạm mậu dịch nhộn nhịp giữa Ả-Rập, Ai Cập, Mesopotamia và Địa Trung Hải.
Sự kiện đánh dấu lần đầu Petra có mặt trong lịch sử là khi đế chế Hy lạp tấn công thủ phủ cổ đại này. Sau một vài cuộc tấn công, đế chế Hy Lạp đã buộc tộc người Nabataeans phải đầu hàng và giao lại quyền thống trị con đường thông thương quý giá. Tuy vậy, không thể phủ nhận được những kiến trúc, địa hình thuận lợi của Petra để xây dựng lên một pháo đài quân sự có tính phòng thủ cao như vậy.
Phế tích nền văn minh cổ đại
Nằm trên một mảnh đất cằn cỗi của Trung Đông, người Nabataeans đã phải tận dụng trí thông minh của mình để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt vùng sa mạc. Trong khi xây dựng thành Petra, tộc người cổ đại đã phát minh ra hệ thống bơm nước phức tạp kết nối với các kênh, ống dẫn và bể chứa để mang nguồn nước sạch về cho cả làng.
Hạn hán không chỉ là thiên tai duy nhất mà thủ phủ Petra phải hứng chịu, vào một vài thời điểm trong năm, người dân trong làng đều đón chịu những đợt càn quét của lũ lụt. Tuy nhiên, nhờ tài kế trị thủy của người Nabataeans, hầu như những trận lũ đều được kiểm soát bằng các con đập, giúp nguồn nước của thủ phủ ổn định hơn. Cũng vì vậy, người dân du mục có thể sinh tồn qua mùa hạn hán cũng như cải thiện được năng suất của các sản phẩm nông nghiệp.
Thành phố Petra ngày nay
Nhờ những phát hiện từ nhà thám hiểm người Thụy Sĩ, thành phố bỏ hoang này cuối cùng cũng được khai quật và nghiên cứu. Một trong những điều thú vị được tìm hiểu chính là đời sống tinh thần phong phú của cư dân Petra cổ đại. Các công trình tiêu biểu của nền văn minh lúc bấy giờ có thể kể đến như nhà hát, đền thờ hay các lăng mộ cổ chứa đầy bí ẩn.
Người dân Petra thời xa xưa không chỉ giỏi về xây dựng hệ thống trị thủy mà còn có khả năng điêu khắc trên những lăng mộ cổ với những chi tiết tinh xảo đạt đến đỉnh cao. Lăng mộ “kho báu” – một trong những địa điểm huyền bí được quan tâm nhiều nhất. Những chi tiết trên mặt đá sa thạch đỏ rất phong phú và đa dạng từ các hình đại bàng, quái vật sư tử đầu chim, cũng là những linh vật mang ý nghĩa chiến thắng. Nhưng biểu tượng độc đáo nhất để chứng minh lăng mộ này thuộc về một vị vua chính là nằm ở những bông hoa hồng sắc sảo được điêu khắc tỉ mỉ.
Là một trong bảy kỳ quan của thế giới, những tàn tích của Petra luôn là điểm đến thu hút những khách du lịch lẫn các nhà khảo cổ học. Du lịch Jordan đúng là một địa điểm thú vị cho những du khách yêu thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của thánh địa cổ xưa này.
—
(Theo wanderlusttips.asia)