Tại Lộ Đức, những phép lạ đầu tiên đã xảy ra kể từ khi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với thánh nữ Bernadette vào năm 1858.
Kể từ đó, hàng ngàn tuyên bố về các trường hợp bệnh nhân được chữa lành đã được thu thập bởi một tổ chức duy nhất trên thế giới: the “Bureau des Constatations Médicales” (Medical Bureau of the Sanctuary – Uỷ ban Y Khoa của thánh địa Lộ Đức).
VĂN PHÒNG ĐIỀU TRA Y TẾ ĐỘC ĐÁO TRÊN THẾ GIỚI
Được thành lập vào năm 1883, Uỷ ban Y tế của Thánh địa là một phần di sản lịch sử của Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức. Đây là một nơi duy nhất trên thế giới, vì không có tại ngôi đền nào khác, thuộc bất kể tôn giáo nào, có sự hiện diện thường trực của một bác sĩ chịu trách nhiệm ghi nhận, xác minh và điều tra các trường hợp được cho là được chữa khỏi bệnh sau khi rời khỏi Đền Thánh.
Có hơn 7.000 trường hợp chữa lành đã được báo cáo tại Lộ Đức kể từ khi Đức Mẹ hiện ra, nhưng cho tới nay chỉ có 70 trường hợp được Giáo hội công nhận là phép lạ.
Họ đến từ các quốc gia: Pháp (56), Bỉ (3), Đức (1), Áo (1) và Thụy Sĩ (1). Sáu người tuyên bố đã được chữa khỏi nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ Lộ Đức khi họ chưa đến Lộ Đức. Còn hầu hết mọi người đã được chữa lành nhờ tiếp xúc với nước tại Lộ Đức (50), hầu hết trong số họ được chữa lành tại các phòng tắm của Thánh địa. (Cạnh Hang Đá và đi sâu vào phía sau, có một dãy phòng tắm với bồn tắm bằng đá, xây từ năm 1955 để tắm cho các bệnh nhân. Nghi thức tắm trong bồn tắm của Thánh địa Đức Mẹ Lộ Đức được ghi danh vào di sản văn hóa phi vật thể).
LỊCH SỬ
Theo yêu cầu của Cha Rémi Sempé, Cha giám đốc đầu tiên của Đền Thánh, Tiến sĩ Georges-Fernand Dunot de Saint-Maclou đã thành lập “Bureau des Constatations Médicales” (Uỷ ban Y Khoa Lộ Đức), để không một ai tuyên bố đã được “chữa khỏi” sau khi rời khỏi Lộ Đức, mà không gửi câu chuyện chữa bệnh của mình cho một cuộc đánh giá y tế nghiêm ngặt.
Năm 1886, thông qua Tổng Giám mục Cagliari, Đức ông Vincenzo Gregorio Berchialla, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã chấp thuận các thủ tục nghiêm ngặt của Uỷ ban Y tế Lộ Đức. Vào năm 1905, Giám mục Tarbes đã nhận được xác nhận từ Tòa thánh về quyền sử dụng các thủ tục của Uỷ ban Y tế của Đền Thánh để nghiên cứu các phương pháp chữa trị được báo cáo. Quyền này vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.
CÔNG BỐ MỘT PHÉP LẠ: 4 BƯỚC QUYẾT ĐỊNH
Bác sĩ thường trực của Uỷ ban Y tế Lộ Đức, Tiến sĩ Alessandro de Franciscis, người phụ trách nhiệm vụ này từ năm 2009 sẽ tiếp nhận những người cho rằng mình đã được chữa khỏi bệnh.
Nếu ông cho rằng trường hợp đó đáng để điều tra thêm, ông sẽ triệu tập các bác sĩ và y tá đồng nghiệp của mình, những người có mặt tại Lộ Đức vào ngày hôm đó và cả những người là thành viên thuộc Uỷ ban Y tế của Thánh địa. (Trong ủy ban có một số bác sĩ vô thần, hoặc không phải là người Công giáo).
Nếu các bác sĩ cùng quyết định tiếp tục cuộc điều tra, thì phương pháp chữa trị sẽ phải trải qua một quá trình nghiên cứu lâu dài, có thể kéo dài vài năm. Và cuối cùng, các thành viên của Ủy ban Y tế Quốc tế Lộ Đức bỏ phiếu rằng phương pháp chữa trị đó là “không giải thích được trong khả năng hiện tại với kiến thức của chúng tôi”.
Kết quả của cuộc bỏ phiếu sau đó được báo cáo cho Giám mục nơi cư trú của người được chữa khỏi. Sau đó, Giám mục, với tư cách là đại diện của hệ thống cấp bậc của Giáo hội, quyết định có tuyên bố phép lạ hay không.
(Phép lạ, theo Hội đồng Giám mục Pháp, được định nghĩa là: “Một sự thật phi thường và đáng kinh ngạc nằm ngoài diễn biến thông thường của các sự kiện. Đó là biểu hiện quyền năng và sự can thiệp của Thiên Chúa mang đến sự mặc khải về sự hiện diện của Ngài và sự tự do mà Ngài sử dụng để hoàn thành mục đích của mình. Phép lạ không có mục đích riêng của nó; nó hướng cái nhìn của chúng ta xa hơn bằng cách tiết lộ sự hiện diện trực tiếp của Thiên Chúa”.
TIÊU CHÍ CỨU XÉT NGHIÊM NGẶT
Tiêu chuẩn cứu xét của Ủy ban bác sĩ quốc tế ở Lộ Đức rất nghiêm ngặt. Những tiêu chuẩn tương tự đã được Bộ Phong Thánh ở Vatican sử dụng để công nhận các phép lạ liên quan đến việc phong chân phước và phong thánh, được xác định bởi Hồng y Lambertini (sau này là Giáo hoàng Benedict XIV).
1. Tiêu chí thứ nhất đó phải là bệnh nặng, tiên lượng xấu.
2. Thứ hai, bệnh đó phải được y học biết và ghi nhận.
3. Thứ ba, căn bệnh này phải là bệnh thể lý, có tính chất tổn thương, nghĩa là phải có các tiêu chí rõ ràng bằng những tài liệu y khoa, cho thấy các phác đồ điều trị trước đó đều thất bại.
Điều này có nghĩa là những ca thuộc bệnh tâm lý sẽ không được công nhận bởi chúng khó khăn hơn để xác định xem có được chữa lành hay không. Không phải là những bệnh tâm lý này không thể chữa khỏi, mà theo tiêu chí của Giáo hội, chúng sẽ không được công nhận là phép lạ trong tình hình hiện tại.
4. Thứ tư, chắc chắn không có bất kỳ phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh.
5. Tiêu chí thứ 5 liên quan đến thời gian chữa bệnh: việc hồi phục phải đột ngột, tức thời, ngay lập tức.
6. Cuối cùng, sau khi khỏi bệnh, có hai tiêu chí bổ sung: nó không chỉ đơn giản là sự hồi phục của các triệu chứng mà là sự phục hồi của tất cả các chức năng sống, và cuối cùng, nó không chỉ đơn giản là sự thuyên giảm mà là sự chữa khỏi, tức là lâu dài và dứt điểm.
/ Lược dịch từ lourdes-france.org /