Thành phố Nagasaki nổi bật so với các khu vực khác của Nhật Bản bởi nơi đây lưu giữ một góc ký ức đau thương của người Nhật về bom nguyên tử gần 80 năm trước. Đặc biệt với người Công giáo, Nagasaki giữ vị trí đặc biệt như là trung tâm của Kitô giáo trong cả nước.
Thành phố vốn có một mối liên hệ lâu đời với đức tin Công giáo kể từ năm 1549, khi thánh Phanxicô Xavier đặt chân đến Kagoshima để rao giảng Tin Mừng cho xứ sở mặt trời mọc. Vào thời điểm đó, Nhật Bản là quốc gia ngoài châu Âu có lượng người theo đạo đông nhất. Thế nhưng, từ cuối thế kỉ XVI Giáo hội Nhật Bản bắt đầu hành trình đầy đau khổ của mình khi Kitô giáo bị cấm hoàn toàn, và các nhà thừa sai bị trục xuất.
Mùa đông năm 1596, 24 người theo đạo Công giáo đã đi bộ chân trần từ Kyoto đến Nagasaki, có thêm hai người khác gia nhập trên hành trình, họ bị đóng đinh trên một ngọn đồi gần Nagasaki vào ngày 5.2.1596.
Từ đó bắt đầu một thời kỳ dài đàn áp những người theo đạo Thiên Chúa, kéo dài cho đến giữa thế kỷ XIX. Các Kitô hữu bị cô lập và đàn áp bằng các vụ hành quyết, thiêu sống, chặt đầu, buộc phải thực hiện những hành động phỉ báng đức tin với mục đích dập tắt ảnh hưởng của Kitô giáo.
Điều này dẫn đến sự ra đời của một nhóm những người theo đạo ẩn dật. Họ duy trì đức tin của mình trong bí mật, truyền lại những lời cầu nguyện và Kinh Thánh chỉ bằng lời nói trong khoảng 250 năm, mà không có nhà thờ hay Linh mục.
Trong âm thầm và đau đớn, các Kitô hữu tại Nagasaki vẫn giữ vững đức tin của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản mới mở cửa trở lại và các lệnh cấm đạo bị bãi bỏ.
Nagasaki giờ đây là thành phố yên bình, mang nhiều nét đẹp cổ điển. Trong khi các thành phố lớn ở Nhật được bao quanh bởi các ngôi đền thần đạo, thì Nagasaki được tô điểm bằng những thánh đường lịch sử “quyến rũ” mọc lên khắp thị trấn và trên đỉnh núi.
Nổi bật trong số đó phải kể đến nhà thờ Urakami hay còn gọi là Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong tiếng Nhật, nhà thờ được gọi là “Urakami Tenshudo”, và tên chính thức là “Catholic Urakami Kyôkai”. Trong tiếng Anh gọi là “Immaculate Conception Cathedral” hoặc “St. Mary’s Cathedral”.
Năm 1962, nhà thờ Urakami trở thành Nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Nagasaki.
Thánh đường có một lịch sử bi thảm, chạm đến trái tim.
Khía cạnh hấp dẫn của lịch sử nhà thờ bắt nguồn từ nguồn gốc của nó. Mặc dù Kitô giáo bị cấm, các tín hữu vẫn sống bên nhau và kiên trì giữ đức tin tại quận Urakami ở phía nam. Urakami là nơi đầu tiên diễn ra nghi lễ e-fumi khét tiếng, trong đó những người bị nghi ngờ là theo đạo được lệnh phải giẫm lên hình ảnh Chúa Giêsu hoặc Đức Mẹ Maria, để chứng minh rằng họ không theo. Những người từ chối từ bỏ đức tin đã bị tra tấn và tử vì đạo.
Sự đàn áp dữ dội dẫn đến sự phản đối gay gắt từ phương Tây, cùng với việc mở cửa ngoại giao, lệnh cấm đạo ở Nhật Bản được gỡ bỏ vào năm 1873. Các Kitô hữu ở Urakami bắt đầu kế hoạch xây dựng một ngôi thánh đường để tạ ơn Thiên Chúa và chuộc tội cho những hành động bất kính. Họ đã mua lại mảnh đất nơi diễn ra cuộc đàn áp e-fumi để xây dựng nhà thờ.
Công trình kiến trúc ấn tượng được hoàn thành vào năm 1925, là tòa nhà tôn giáo lớn nhất ở Viễn Đông, được xây dựng bằng gạch theo phong cách Romanesque.
Thật không may, nhà thờ mất ba thập kỷ để hoàn thành, nhưng chỉ trong ba giây đã bị san phẳng bởi bom nguyên tử.
Vào ngày 9.8.1945 lúc 11:02 sáng, Urakami đã bị quả bom nguyên tử thứ hai phá hủy. Trớ trêu thay, nó đã giết chết nhiều người theo đạo Thiên Chúa hơn bất kỳ nơi nào khác ở Nhật Bản trong nhiều thế kỷ bị đàn áp. Nhà thờ Urakami, chỉ cách tâm chấn của quả bom nguyên tử rơi xuống 500m, nên hầu hết tòa nhà đã sụp đổ, chỉ còn sót lại các bức tượng thánh không đầu, tháp chuông và bức tượng bằng gỗ Đức Mẹ Đồng Trinh còn trụ vững một cách kỳ diệu.
Vụ nổ giết chết ngay lập tức các linh mục và khoảng 20 Kitô hữu bên trong nhà thờ, khi họ đang chuẩn bị cho ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời.
Quả bom cũng đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết khoảng 73.884 người tức khắc và nhiều người khác trong những năm sau đó, với những ảnh hưởng dai dẳng của bệnh phóng xạ.
Sự tàn phá quá lớn đến nỗi sở cảnh sát ở Nagasaki khi đó không hề biết đến bất kỳ thiệt hại nào cho đến khi một số người sống sót vượt qua ngọn đồi đến trung tâm Nagasaki, không còn một đường dây điện thoại nào để báo cáo thiệt hại.
Phiên bản hiện đại của nhà thờ hoàn thành vào năm 1959 trên đống đổ nát của nhà thờ cũ. Năm 1980, để chào đón Đức Giáo hoàng John Paul II sẽ đến thăm Nhật Bản vào năm sau đó, nhà thờ được tu sửa lại bằng gạch ngói và mặt tiền được khôi phục gần như diện mạo trước vụ đánh bom. Đằng sau mặt tiền là một không gian hiện đại với sức chứa 2.000 người.
Nhà thờ được bao quanh bởi bầu không khí trang nghiêm với những ô cửa sổ kính màu mô tả cuộc đời của Chúa Kitô. Phần đầu còn sót lại sau vụ nổ của bức tượng Đức Mẹ được lưu giữ trong nhà thờ.
Trước khuôn viên, những bức tượng các thánh bằng đá bị cháy đen vẫn đứng cạnh bức tường đổ nát như những nhân chứng thời gian.
Cạnh dòng sông chảy phía bên trái thánh đường, một tháp chuông nằm nguyên trạng nơi tòa nhà ban đầu sụp đổ. Chiếc chuông được tìm thấy gần như nguyên vẹn dưới đống đổ nát hiện giờ được treo ở tháp bên phải, vẫn ngân vang mỗi ngày 3 lần.
Thánh đường Urakami là thông điệp cho sự kiên cường và chiều sâu đức tin của những tín hữu ở Urakami, là nhà thờ chứa đựng ký ức với nhiều cảm xúc của người Công giáo Nhật Bản.
Đến thăm Urakami bây giờ, người ta có thể không nhận ra tác động tàn phá thực sự của quả bom khi nhìn thấy nơi đây phát triển mạnh mẽ giống như bất kỳ khu vực nào khác của Nhật Bản, và không hề có một chút ám chỉ nào về sự hận thù. Ngoại trừ công viên Hòa bình và bảo tàng được duy trì để dành riêng cho việc cổ võ hòa bình và giáo dục giới trẻ về tác động của chiến tranh nguyên tử.
Điều này thực sự đáng trân trọng!