Bốn mái vòm tráng lệ, các họa tiết được trang trí lộng lẫy trên những cây thánh giá của Thập Tự Chinh, báo trước lối vào một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Kitô giáo – nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem.
Người Kitô hữu tin rằng nhà thờ được xây dựng trên đồi Canvê (Calvary). Trong Kinh Thánh là nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, tử nạn và rồi phục sinh ba ngày sau đó. Trong 16 thế kỷ qua, những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến đây để thờ phượng. Họ hoà mình trong đám đông, còn nếu muốn cầu nguyện trong thình lặng, bạn phải đến từ rất sớm, nhưng dường như hơi khó.
Lối vào nhà thờ Mộ Thánh dễ dàng nhất là qua con đường Christian Quarter – con đường cổ kính được xây dựng từ thời La Mã, nằm ở trung tâm của Khu phố Kitô giáo. Đây là một trong những con đường sặc sỡ nhất trong thành cổ Jerusalem, vì được bày bán rất nhiều đồ lưu niệm để phục vụ khách hành hương.
Được bao bọc chặt chẽ trong một khoảng sân ở rìa khu Kitô giáo và Hồi giáo, ngôi thánh đường dường như mọc lên từ hư không. Nơi đây thường xuyên chật cứng khách du lịch và khách hành hương, cũng bởi đây là điểm kết hợp năm chặng đường Thánh Giá cuối cùng (Chặng 10 – 14).
Chặng thứ 10 của Đường Thánh Giá (Via Dolorosa) nằm trong một nhà nguyện nhỏ đi lên bằng cầu thang ở bên phải lối vào nhà thờ; người ta tin rằng Chúa Giêsu đã bị quân dữ lột áo ở đây. Đằng sau bức tường của chặng thứ 10 là chặng thứ 11, nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá. Nơi Người qua đời, Rock of Calvary, là chặng thứ 12: một bàn thờ đã được xây dựng với một cái lỗ hổng cho phép những người hành hương chạm vào tảng đá. Giữa hai gian là trạm thứ 13, nơi tháo xác Chúa Giêsu. Quay xuống cầu thang, là chặng thứ 14, chính là Mộ Thánh.
300 năm sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh, nhà thờ Mộ Thánh được xây dựng là kết quả của việc vận động hành lang từ thánh Hoàng hậu Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine. Trong chuyến hành hương đến Đất Thánh, bà đã để ý đến ngôi đền ngoại giáo của người Hadrian và đền thờ thần Vệ nữ (được xây dựng vào năm 135 sau CN), bà cho rằng nó đã được đặt ở đây để ngăn cản những Kitô hữu đầu tiên đến đây thờ phượng. Bà cùng với Giám mục của Jerusalem, Macarius, đã thỉnh cầu Hoàng đế phá bỏ ngôi đền, khai quật ngôi mộ của Chúa Kitô và xây dựng một nhà thờ để bảo tồn Mộ Thánh.
Các cuộc khai quật đã tìm thấy ba cây thánh giá, Hoàng hậu Helena tuyên bố địa điểm này chính là đồi Canvê. Công cuộc xây dựng nhà thờ của Hoàng đế Constantine bắt đầu vào năm 326 CN, và được khánh thành 9 năm sau đó.
Nếu bạn hơi bối rối về lý do tại sao Chúa Giê-su được cho là đã bị đóng đinh ở giữa thành phố, hãy nhớ rằng hơn 2000 năm trước, nơi đây là một khu đất trống bên ngoài các bức tường thành cũ. Từ thế kỷ thứ 4, các đền thờ và nhà thờ mới được xây dựng, nhưng đôi khi bị phá hủy bởi các đội quân xâm lược và sau đó được tái thiết.
Khi quân đội của Caliph Omar chiếm thành phố vào năm 638 CN, ông được mời cầu nguyện trong nhà thờ, nhưng ông từ chối. Bởi nếu ông làm thế, những người theo đạo Hồi từ phía ông sẽ biến nó thành một nhà thờ Hồi giáo. Nhà thờ sau đó đã bị phá hủy bởi Caliph Hakim điên loạn vào năm 1009.
Việc trùng tu bắt đầu vào năm 1010 nhưng tiến hành chậm vì thiếu kinh phí. Cuối cùng, Kho bạc Hoàng gia Byzantine đã cung cấp một khoản trợ cấp 20 năm sau đó. Dù vậy vẫn không đủ để chi trả cho việc tái thiết hoàn toàn nhà thờ ban đầu, một phần lớn của tòa nhà đã bị bỏ hoang, nhưng thêm vào một phòng trưng bày phía trên và một phần phụ phía đông.
Đây là nhà thờ mà quân Thập Tự Chinh đã giành được vào ngày 15.07.1099 với tư cách là những người cai trị mới của thành phố. Họ đã thực hiện những thay đổi đáng kể, và nhà thờ tồn tại ngày nay ít nhiều là một cấu trúc thời Thập Tự Chinh có nguồn gốc từ Byzantine.
Vào thời điểm đó, có hai lối vào: lối vào hiện tại và một lối vào khác ở đầu cầu thang thời Thập Tự Chinh ở bên ngoài, dẫn vào một nhà nguyện nhỏ. Nhà nguyện này đã được xây tường bao lại sau thất bại của quân Thập tự chinh vào năm 1187; cây đinh lăng chạm khắc của nó hiện được trưng bày trong Bảo tàng Rockefeller.
Một trận hỏa hoạn năm 1808 và một trận động đất năm 1927 đã gây ra thiệt hại lớn, và tiếp nối là những bất đồng hàng loạt xảy ra giữa các hệ phái Kitô giáo cùng chia sẻ quyền sở hữu khu vực nhà thờ Mộ Thánh (Công giáo, Chính thống giáo Hy Lạp, Chính thống giáo Armenia, Syria, Coptic và Ethiopian).
Phải đến năm 1959, một chương trình trùng tu lớn mới được thoả thuận và thực hiện. Cũng phải mất nhiều thập kỷ để thống nhất về những lần trùng tu, gần đây nhất vào năm 2016, khi Mộ Thánh được tài trợ 4 triệu đô la Mỹ.
Để tránh xung đột về quyền kiểm soát nhà thờ, chìa khóa đã thuộc quyền sở hữu của Nusseibehs, được cho là gia đình Hồi giáo lâu đời nhất ở Jerusalem, kể từ thời Saladin, và công việc của họ vẫn là mở khóa cửa mỗi sáng và đóng lại vào ban đêm.
Chìa khóa của một trong những nơi thiêng liêng nhất của Kitô giáo nằm trong tay của một gia đình Hồi giáo, và đây là thực tế tồn tại qua nhiều thế kỷ, phản ánh nét độc nhất vô nhị của thành cổ Jerusalem.
Nhà thờ luôn là nơi lưu giữ các thánh tích, nhiều trong số đó khiến những người hành hương ao ước sở hữu. Cây thánh giá do Hoàng hậu Helena phát hiện ban đầu được trưng bày tại đây, nhưng sau đó người ta phải giấu đi khi sự cám dỗ lấy một mảnh làm vật kỷ niệm (hoặc thậm chí cắn đứt một miếng) trở nên quá mạnh đối với một số tín hữu hành hương nhiệt thành.
Ngày nay, những người hành hương hạn chế đổ dầu lên phiến đá Unction được đặt bên trong nhà thờ (theo truyền thống, trên tảng đá này xác Chúa Giê-su được đặt và chuẩn bị chôn cất), và sau đó dùng khăn tay xoa lên đó để mang về nhà như một thánh tích.
Du khách hành hương đến đây nên ăn mặc lịch sự và giản dị. Lính canh có thể nghiêm khắc và từ chối cho những người để hở chân, vai, hay lưng trần đi vào. Ngoài Lối vào chính là qua Christian Quarter Road, du khách cũng có thể vào qua Dabbaga Road hoặc qua Tu viện Ethiopia trên tầng mái.
—
(Lược dịch từ lonelyplanet)