Vào ngày lễ sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria theo lịch Phụng Vụ, các tu sĩ Phanxicô thuộc Hạt Dòng Thánh Địa đã cử hành thánh lễ long trọng tại Vương cung thánh đường Thánh Anne ở Giêrusalem. Đây là một truyền thống được lặp lại vào 08.09 hàng năm. Dòng người hành hương từ thế kỷ thứ 5 đã tôn kính nơi này. Năm nay, một nhóm Caritas của La Réunion, một khu vực của Pháp ở Ấn Độ Dương, một số đến từ thị trấn Sainte-Anne (Canada), cũng có mặt tại lễ kỷ niệm. Trước khi ban phép lành cuối thánh lễ, các vị chủ tế đi rước kiệu đến hầm mộ và hát kinh cầu các thánh, để tôn kính nơi sinh của Đức Trinh Nữ Maria.
Giáng sinh và sự chữa lành
Ngay từ thế kỷ thứ 5, những người hành hương đã tin rằng khu vực này là nơi có hồ chữa lành và nhà thờ dành riêng cho Đức Maria tại nơi ngài sinh ra. Truyền thống có từ thời Tiền Phúc Âm của Thánh Giacôbê (thế kỷ thứ 2) tin rằng ở đây, “không xa đền thờ” có nhà của Thánh Joachim và Thánh Anne, nơi Đức Maria được thụ thai và sinh ra.
Với việc cung hiến một nhà thờ nhỏ tại nhà của hai vị thánh, vào thế kỷ thứ 4, việc tôn kính nơi này dần dần trở nên phổ biến. Nơi này cũng được nhắc đến trong Tin Mừng theo Thánh Gioan là nơi chữa lành người bại liệt, tại hồ Bethesda (Betzaetà hay probatic).
Truyền thống của các Tu sĩ Phanxicô
Nhà thờ ngày nay được xây dựng bởi quân Thập Tự Chinh. Khi Jerusalem rơi vào tay Salah al-Din, vương cung thánh đường trở thành trường dạy kinh Koran. Ngay cả trong thời kỳ Hồi giáo, các tu sĩ Dòng Phanxicô đã cố gắng tiếp cận và cử hành các nghi thức. Để làm như vậy, họ thả mình xuống từ cửa sổ trong hầm mộ.
Mãi đến thế kỷ 15, một sắc lệnh của chính quyền Ottoman mới chính thức cho phép Hạt Dòng tổ chức lễ kỷ niệm ở đây vào hai dịp: vào ngày Sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, ngày 08.09; và vào ngày Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 08.12. Và truyền thống vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.
Hạt Dòng Thánh Địa và nước Pháp
Lễ kỷ niệm được chủ trì bởi cha Michel Muhindo, thuộc Hạt Dòng Thánh Địa, bằng tiếng Pháp, để nhấn mạnh sự gần gũi giữa quốc gia này và Hạt Dòng. Mối ràng buộc này đã được kí kết từ hiệp ước năm 1536, trong đó Quốc vương Suleiman Đại đế giao phó việc bảo vệ các Thánh địa cho Pháp. Kể từ thời điểm đó, Hạt Dòng Phanxico và Pháp luôn hợp tác cùng nhau vì mục tiêu chung này. Hơn nữa, vương cung thánh đường là tài sản của Cộng hòa Pháp kể từ năm 1856: quốc vương Abdul Majid đã trao cho Napoléon III để hỗ trợ quân sự trong Chiến tranh Krym. Đây là lý do tại sao một đại diện của các tổ chức, là phó lãnh sự Quentin Lopinot, đã tham dự thánh lễ. Cuối Thánh lễ có hát bài thánh ca cầu xin Chúa cứu nước Cộng hòa Pháp.
Hiện tại, Vương cung thánh đường được giao cho các nhà truyền giáo Châu Phi (White Fathers – Các Cha Trắng) chăm sóc.
Tại sao chúng ta được sinh ra?
Hình ảnh Đức Maria và mọi ngày lễ liên quan đến Mẹ đều luôn gắn liền với Con của Mẹ là Chúa Giêsu. Vì vậy, việc cử hành Lễ sinh nhật của Đức Trinh Nữ, được thụ thai vô tội, có nghĩa là tôn vinh chức vụ Mẹ Thiên Chúa của Ngài, mà Ngài đã được gọi từ trong lòng mẹ, và đã đáp lại bằng câu “Tôi đây”.
Trong bài giảng, cha Michel nói: “cử hành Lễ sinh nhật của Đức Maria kêu gọi chúng ta suy nghĩ về ơn gọi của mình. Chúng ta tự hỏi tại sao mình được sinh ra. Tôi được sinh ra để làm điều gì?.” Mỗi người chúng ta có một nhiệm vụ cụ thể nhưng đồng thời có một lời kêu gọi phổ quát: “được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, trở nên công chính và bước vào Vinh quang vĩnh cửu của Ngài”.
—
Nguồn: https://www.custodia.org/en/news/nativity-mary-franciscan-tradition-holy-land
Biên tập: DuHanhViet Travel