Fatima chào đón hàng triệu du khách hành hương mỗi năm và đã được một số Giáo hoàng viếng thăm kể từ khi Đức Mẹ hiện ra năm 1917.
“Ngay cả khi ngồi trên xe lăn, Cha cũng sẽ đến” – Đức Thánh Cha Phanxicô nói với ban tổ chức WYD Lisbon 2023 – (Đại hội Giới Trẻ Thế Giới đã diễn ra tại Lisbon từ ngày 01 – 06.08 vừa qua, trong dịp này Đức Phanxicô đã đến thăm Đền thánh Fatima).
Đây là chuyến viếng thăm thứ hai của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Đền thánh Đức Mẹ Bồ Đào Nha kể từ khi ngài được bầu làm Giáo hoàng. Lần trước là chuyến tông du của ngài vào ngày 12-13.05.2017, để đánh dấu 100 năm Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng: Lucia Santos, Francisco và Jacinta Marto, và phong thánh cho hai trong số ba vị (Francisco và Jacinta Marto).
Trên thực tế, vị Giáo hoàng người Argentina đã thiết lập mối quan hệ đặc biệt với Fatima. Ngày 13.05.2013, theo mong muốn riêng của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức hồng y José da Cruz Policarpo, Thượng Phụ Lisboa, đã dâng hiến triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Đức Mẹ Fatima.
Sau đó, vào ngày 25.04.2018, trong buổi tiếp kiến chung, Đức Phanxicô đã làm phép và đội vương miện cho bức tượng Đức Trinh Nữ Fatima dành cho một giáo xứ ở Ý.
Đáng chú ý nhất là một tháng sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, Đức Giáo Hoàng người Argentina đã quyết định thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ Maria – theo “bí mật thứ hai” nổi tiếng của Fatima – Vào thứ Sáu ngày 25/3/2022, trong nghi thức Thống hối do Đức Thánh Cha chủ sự vào lúc 5 giờ chiều tại đền thờ thánh Phêrô. Việc thánh hiến tương tự đã được thực hiện đồng thời trong cùng một ngày tại đền thờ Fatima bởi Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Giám mục Tông tòa.
Các Đức Thánh Cha viếng thăm Fatima
Trước Đức Phanxicô, ba vị Giáo hoàng đã đến thăm Đền thánh Fatima. Người đầu tiên là Đức Phaolô VI, ngài đến Fatima vào ngày 13.05.1967 nhân dịp kỷ niệm 50 năm các cuộc hiện ra được Giáo hội Công giáo chính thức công nhận vào năm 1930. Ngài đã tặng một đoá hồng bằng vàng* cho Đức Mẹ Mân Côi.
Đức Gioan Phaolô II đã viếng thăm Fatima ba lần (1982, 1991 và 2000). Ngài đặc biệt quan tâm đến Đền thánh Đức Mẹ tại Bồ Đào Nha sau khi thoát khỏi một vụ ám sát tại Quảng trường Thánh Phêrô vào ngày 13.05. 1981, ngày lễ Đức Mẹ Fatima.
Giáo hoàng người Ba Lan bị ấn tượng bởi sự trùng hợp về ngày tháng, ngài coi đó là dấu hiệu cho thấy Đức Mẹ che chở, Mẹ đã làm chệch hướng viên đạn chí mạng do một sát thủ được thuê ám sát ngài.
Năm sau, vào ngày 13.05.1982, Đức Gioan Phaolô II đích thân đến thăm Fatima để bày tỏ lòng biết ơn đối với Mẹ. Chín năm sau đó, Đức Thánh Cha trở lại Fatima vào ngày 12 và 13.05.1991; rồi lần thứ 3 là vào ngày 12 và 13.05.2000, để cử hành lễ phong chân phước cho hai trong số ba thị nhân, là anh em Francisco và Jacinta Marto.
Cuối cùng, người kế nhiệm ngài là Đức Bênêđíctô XVI đã đến thăm Fatima vào tháng 5.2010, nhân dịp kỷ niệm 10 năm phong chân phước cho các mục đồng nhỏ. Nhưng ngay cả trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Bênêđíctô XVI khi đó là Hồng y Joseph Ratzinger, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, là người đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II ủy nhiệm công khai bí mật thứ ba về những lần hiện ra ở Fatima nhân dịp Đại Năm Thánh 2000.
Các Đức Giáo Hoàng và những bí mật của Fatima
Mối liên hệ đặc biệt giữa đền thờ Đức Mẹ Fatima ở Bồ Đào Nha và ngai Tòa thánh Phêrô được giải thích một phần bởi lịch sử của các Giáo hoàng và “Bí mật Fatima” nổi tiếng. Đức Trinh Nữ Maria đã tiết lộ ba bí mật này cho các trẻ chăn cừu. Đầu tiên là hình ảnh hoả ngục trông như thế nào; thứ hai là lời yêu cầu thánh hiến nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ; và bí mật thứ ba mô tả cảnh tận thế, với hình ảnh Giáo hoàng trong một thành phố đổ nát.
Trong “bí mật” thứ hai, mô tả một cuộc chiến mới còn tồi tệ hơn Thế chiến thứ nhất, Đức Trinh Nữ Maria yêu cầu thánh hiến nước Nga để ngăn chặn nước này truyền bá “những sai lầm của mình ra khắp thế giới” và hủy diệt các quốc gia. Mẹ nói: “Nếu yêu cầu của ta được chấp nhận, nước Nga sẽ hoán cải và sẽ có hòa bình”.
Khi nghe lời cảnh báo này, Đức Piô XII đã xem xét một cách nghiêm túc. Vào ngày 31.10 1942, giữa Thế chiến thứ hai, ngài đã thánh hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria – nhưng không nhắc đích danh nước Nga. Mười năm sau, vào ngày 07.07.1952, ngài gia hạn việc thánh hiến trong một tông thư, lần này đề cập đến “tất cả các dân tộc Nga”.
Sau khi được bầu làm Giáo hoàng, Đức Phaolô VI đã được các giám mục yêu cầu tiến hành thánh hiến nước Nga trong Chiến tranh Lạnh, điều mà ngài đã thực hiện vào ngày 21.11.1964.
Với tinh thần tương tự, Đức Gioan Phaolô II đã chủ trì nghi thức thánh hiến thế giới vào ngày 07.06.1981 tại Rome, được ngài lặp lại vào ngày 13.05.1982 tại Fatima, và vào ngày 25.03.1984 tại Quảng trường Thánh Phêrô, cùng với tất cả các giám mục trên thế giới.
“Bí mật thứ ba” đã làm tốn nhiều giấy mực, liên quan đến cuộc đàn áp Giáo hội và Người kế vị Thánh Phêrô. Cuối cùng đã được tiết lộ theo yêu cầu của Đức Gioan Phaolô II vào ngày 26.06.2000. Chính Đức Hồng Y Joseph Ratzinger (sau này là Đức Bênêđíctô XVI) là người đưa ra thông báo, kèm theo một bài bình luận thần học. Vị tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin người Đức giải thích, rằng đây không phải là một điềm báo bi quan về tương lai, mà là một lời mời “huy động các lực lượng thay đổi theo hướng đúng đắn”.
Ngay cả sau khi từ chức, Đức Bênêđíctô XVI vẫn đề cập lại điều bí mật mà ngài là sứ giả. Trong một lá thư đề ngày 15.03.2016 gửi cho nhà sử học Yves Chiron, được ghi lại trong cuốn sách của ông – Fatima Vérités et légendes (2017), vị Giáo hoàng danh dự lúc bấy giờ đã chứng nhận, liên quan đến những cáo buộc lưu hành giữa một số nhóm Công giáo, “rằng bí mật thứ tư của Fatima không hiện hữu.”
Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI khẳng định ngài không bao giờ nói với bất cứ ai rằng việc công bố “bí mật thứ ba của Fatima” vào năm 2000 là không đầy đủ, và xác nhận rằng bí mật Fatima đã được công bố trọn vẹn.
—
(Lược dịch từ Aleteia.org)
https://aleteia.org/2023/05/26/fatima-the-popes-favorite-marian-shrine/
*Đoá hồng bằng vàng là Biểu tượng cho Đức Trinh Nữ và thành Jerusalem thiên quốc, đóa hồng bằng vàng là sự trân trọng của các vị giáo hoàng dành cho những bậc tôn kính hay các đền thờ, giáo đường, thành phố, như dấu chỉ của lòng biết ơn đối với công ích thực hiện cho Giáo hội hay vì lợi ích xã hội.