Lịch sử nhà thờ Mộ Thánh
Lịch sử của nhà thờ Mộ Thánh bắt đầu từ thế kỉ thứ IV. Hoàng đế Constantine là nhà cai trị La Mã đầu tiên công khai cải đạo theo Kitô giáo. Các học giả cho rằng ông làm như vậy vì ý thức về lợi ích chính trị hơn là vì niềm tin sâu sắc vào những lời dạy của Chúa Giêsu Kitô. Mặt khác, mẹ của ông, thánh Hoàng hậu Helena, lại là một Kitô hữu thực sự và bà đã tạo được cho mình một vị trí trong lịch sử với tư cách là một trong những nhà khảo cổ học quan trọng nhất thế giới.
Constantine ủy quyền cho mẹ mình sử dụng quỹ của hoàng gia để xác định vị trí tất cả các di tích liên quan đến Chúa Giêsu và tuyên bố chúng nhân danh Rome. Hoàng hậu Helena đến Thánh địa vào năm 326 sau CN và bắt đầu cuộc tìm kiếm giữa đống đổ nát của Jerusalem. Bà nhanh chóng phát hiện ra ba cây thánh giá bằng gỗ. Sau khi điều tra rộng rãi, bà tuyên bố đây là Thánh Giá thật và hai cây thập giá mà hai tên trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giê-su, đây hẳn là đồi Golgotha. Nơi chôn cất Chúa Giêsu được xác định gần đó. Constantine đã cho phép san bằng ngôi đền ngoại giáo của người Hadrian, và xây một thánh đường để bảo tồn Mộ Thánh, được thánh hiến vào năm 335.
Từ năm 650 trở đi, Jerusalem bị các đế quốc Ba Tư và Hồi giáo xâm chiếm.
Sau nhiều thế kỷ cai trị của người Hồi giáo, Jerusalem rơi vào tay quân Thập tự chinh. Tuy nhiên, vào năm 1187, Nhà thờ Mộ Thánh và Jerusalem một lần nữa lại nằm trong tay người Hồi giáo khi bị Saladin chiếm giữ.
Nhà thờ đã sống sót sau các trận động đất, hỏa hoạn, xâm lược và phá hủy theo sắc lệnh. Qua nhiều thế kỷ, nhiều truyền thống Kitô giáo khác nhau đã được áp dụng vào nhà thờ. Quyền sở hữu và kiểm soát địa điểm linh thiêng nhất khiến nhà thờ rơi vào tình trạng tranh chấp thường xuyên.
Từ thời Thập tự chinh cho đến thế kỉ 19, Nhà thờ Mộ Thánh có ba cộng đồng Kitô giáo lớn cùng trông coi là Chính thống giáo Hy Lạp, Giáo hội Tông đồ Armenia và Giáo hội Công giáo La Mã. Theo thời gian, quyền giám hộ này được mở rộng đến các cộng đồng Chính Thống nhỏ hơn nữa là Chính thống giáo Coptic, Chính thống giáo Ethiopia và Giáo hội Chính thống Syria, tuy vậy, họ chỉ quản lý các phần nhỏ của toà nhà.
Sắc lệnh của quốc vương Ottoman năm 1892 phân bổ các phần của toà nhà cho ba cộng đồng Kitô lớn là cơ sở cho hiện trạng được duy trì một cách cẩn thận.
Có lẽ không quá khó để tưởng tượng rằng những cộng đồng cùng trông coi địa điểm linh thiêng nhất của Kitô giáo đôi khi thấy bất đồng với nhau và thậm chí có thể dính líu đến bạo lực. Đây được coi là lý do hàng đầu khiến quyền giám hộ tổng thể của Nhà thờ Mộ Thánh nằm trong tay hai gia đình Hồi giáo.
Chìa khoá nhà thờ Mộ Thánh được trao cho hai gia đình Hồi giáo
Để giữ hòa bình giữa các cộng đồng Kitô giáo, nhà cai trị vĩ đại của người Hồi giáo, Saladin (1138 – 1193) nổi tiếng là người công minh, chính trực, đã nghĩ ra một giải pháp tài tình. Viết cho Richard the Lionheart vào năm 1191 sau CN, ông vạch ra kế hoạch mời một gia đình Hồi giáo nổi tiếng giữ chìa khoá Nhà thờ Mộ Thánh. Và Nuseibehs, một gia đình có nguồn gốc từ thành phố Medina và có quan hệ họ hàng với nhà tiên tri Muhammad, đã được chọn cho nhiệm vụ này.
Dần dần một giải pháp được cải tiến để phù hợp hơn: hai gia đình Hồi giáo được giao nhiệm vụ mở cửa nhà thờ Mộ Thánh.
Mỗi buổi sáng, một đại diện của gia đình Joudeh mang chìa khóa đến nhà thờ, nơi anh giao nó cho đại diện của gia đình Nuseibeh. Theo truyền thống 1300 năm được cha truyền con nối, Nuseibehs sau đó sử dụng chìa khóa để mở cửa nhà thờ với sự giúp đỡ của các tu sĩ và linh mục bên trong, những người đã ở lại qua đêm để cầu nguyện. Một nghi lễ tương tự cũng diễn ra để khóa cửa nhà thờ vào ban đêm, và chìa khóa được trả lại cho Joudehs.
Truyền thống không gián đoạn này đã tồn tại qua sự tan rã đầy biến động của Đế chế Ottoman, sự tàn phá của Thế chiến thứ nhất, sự cai trị của người Anh và ngày nay được lực lượng cảnh sát của Nhà nước Israel giám sát và bảo vệ.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN vào năm 2016, Adeeb Joudeh đang mang theo mình một chiếc chìa khóa gang cổ có niên đại khoảng 500 năm bước trên đường phố Jerusalem lúc 3h30 sáng. Chìa khóa dài 12 inch, có tay cầm bằng kim loại hình tam giác và đầu hình vuông, đó là chìa khóa dẫn vào Nhà thờ Mộ Thánh.
Gia đình Joudeh đã nắm giữ chìa khóa qua nhiều thế hệ. Trong nhà, Joudeh cất giữ một tập tài liệu đầy hình ảnh ông nội, ông cố của anh, những người đã từng đảm nhiệm công việc thiêng liêng này, và những bản hợp đồng lịch sử trao nhiệm vụ cho gia đình được viết trên giấy da và ký bằng mực vàng, bản xưa nhất có từ năm 1517.
“Đây là di sản của gia đình,” Joudeh mỉm cười khi nói. “Đó là tất cả những gì gia đình chúng tôi sở hữu và đây là niềm vinh dự không chỉ của gia đình chúng tôi. Đây là một vinh dự cho tất cả người Hồi giáo trên thế giới.”
Sau đó anh ấy đưa cho tôi –(phóng viên CNN) chìa khóa của Nhà thờ Mộ Thánh. Thực tế là anh ấy đưa cho tôi hai chiếc chìa khóa. Cái “mới” đã được sử dụng trong 500 năm. Cái cũ đã bị hỏng sau nhiều thế kỷ sử dụng.
“Chiếc chìa khóa này đã 850 năm tuổi,” Joudeh nói và chỉ vào chiếc chìa khóa cũ hơn. Nhiệm vụ này thuộc về tổ tiên của Joudeh như một cách để duy trì một người bảo vệ trung lập cho Nhà thờ Mộ Thánh, vì nhà thờ bị chia rẽ giữa nhiều cộng đồng Kitô giáo. Anh đã học được nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ chìa khóa từ cha mình, cũng như anh sẽ truyền lại cho con trai sau này.
“Những gì chúng tôi truyền lại cho thế hệ sau không chỉ là chìa khóa mà còn là cách bạn tôn trọng các tôn giáo khác”.
Joudeh nói rằng thỏa thuận này giữa tổ tiên Hồi giáo của Joudeh và những người theo Kitô giáo đã giúp xây dựng sự hợp tác giữa các tôn giáo.
“Đối với tôi, nguồn gốc của sự chung sống giữa Hồi giáo và Kitô giáo là Nhà thờ Mộ Thánh”. Ông đề cập đến lịch sử từ 1.400 năm trước, khi Umar ibn Khattab, một người Hồi giáo, đã thỏa thuận với Sophronius, một người theo Kitô giáo, để trao cho những người không theo Hồi giáo quyền tự do thờ phượng ở Jerusalem. Đối với Joudeh, lịch sử này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và anh có nghĩa vụ phải tiếp tục nó.
Kể từ cuối thế kỷ 19, ba cộng đồng Kitô giáo chính đều tổ chức một buổi lễ hàng năm để tái khẳng định sự thừa nhận của họ đối với quyền giám hộ của người Hồi giáo đối với Nhà thờ Mộ Thánh.
Ở một vùng đất mà người Do Thái, người Hồi giáo và Kitô giáo tranh giành nhau từng centimet lãnh thổ, truyền thống của người giữ chìa khóa tại Nhà thờ Mộ Thánh là một ví dụ sâu sắc về cách ba tôn giáo này có thể cùng tồn tại hòa hợp với nhau.
—
DuHanhViet Travel biên tập.
Nguồn:
https://www.alexanderroberts.com/blogs/blog/july-2016/jerusalems-muslim-key-keepers-of-the-church-of-the.aspx
https://bigthink.com/strange-maps/holy-sepulcher/
https://edition.cnn.com/2016/03/26/middleeast/easter-muslim-keyholder