Đối với người Do Thái tại bất cứ nơi nào trên thế giới thì địa danh thiêng liêng nhất của họ là Bức tường Than Khóc tại khu Cổ thành Jerusalem.
Nằm ở phía tây thành phố cổ Jerusalem (Israel), bức tường này là một trong những thánh địa cổ nhất và là một trong những địa điểm cầu nguyện thiêng liêng nhất của người Do Thái giáo. Tại đây các tín đồ có khuynh hướng thành kính viết một lời nguyện cầu trên một mảnh giấy và đặt giấy này trong một khe nhỏ nào đó trong bức tường.
Ngày nay, bức tường là một phần tường vây của một Thánh đường Hồi giáo, gồm Tháp Vòm bát úp trên Núi đá. Trên thực tế, bức tường này có tên là Bức tường phía Tây, do vua Herod echo xây dựng vào đầu thế kỷ I TCN, trên một đoạn đường chống của ngôi đền do vua Salomon xây dựng cách đây gần 3000 năm. Vào năm 70 của Công Nguyên, người La Mã đã phá hủy ngôi đền này.
Bức tường than khóc cao khoảng 49m, dài 12m, gồm 28 khối đá khổng lồ xếp thành hàng. Nhưng ngày nay duy chỉ có phần thấp nhất là thuộc về công trình xây dựng ban đầu. Dưới chân bức tường, dân Do Thái thường tới cầu nguyện và than khóc tiếc thương cho ngôi đền đã bị phá hủy và cho những nỗi bất hạnh mà họ đã gặp phải trong cuộc sống.
Trải qua bao nhiêu thời đại, người Do Thái bị phân tán khắp nơi trên thế giới nhưng dù ở bất cứ nơi nào họ vẫn duy trì tôn giáo của họ. Khi nào đến Israel du lịch thì địa điểm hành hương chính của người Do Thái chính là bức tường than khóc – Western Wall. Các quan khách, chính trị gia ngoại quốc đến thăm Jerusalem cũng đều đặt chân đến “Thánh Địa“ này và cầu nguyện…
Ngày nay, khu vực bức tường than khóc rất rộng lớn, khang trang và thường xuyên có nhiều du khách tới thăm viếng. Bên cạnh có một khu vực dành riêng cho những người Do Thái ngoan đạo cầu nguyện, đọc Thánh Kinh bằng tiếng Hebrew. Những người Do Thái theo nhóm Hassidi thường mặc áo dài đen, đội mũ đen, để râu dài, họ tin tưởng ở tục lệ nếu cầu nguyện liên tục trong 40 ngày thì sẽ được hưởng nhiều phép màu.
Theo kinh Mishna của người Do Thái thì bức tường Western Wall là nơi ở gần khu vực Thánh Khiết nhất nên khi người dân Do Thái tại bất cứ nơi nào trên thế giới cầu nguyện thì những lời cầu nguyện đó sẽ bay đến bức tường Western Wall để lên tới Thiên Đàng. Vì thế trong suốt lịch sử mất ngàn năm của dân tộc Do Thái, bức tường Western Wall là nơi mà họ dùng để tạ ơn Thượng Đế cũng như cầu nguyện cho số phận của dân tộc trong những lúc có tai biến hay đất nước bị nguy nan.
Ví dụ như năm 1994, khi có tin một người lính Do Thái Nachson Wachsman bị bắt cóc thì đã có 50.000 người đến cầu nguyện tại Western Wall và hàng năm vào dịp lễ tưởng nhớ ngày Ngôi Đền bị phá hủy thì có khoảng 100.000 người đến làm lễ. Hay khi chính phủ Israel trước áp lực quốc tế phải rút quân ra khỏi những vùng đất chiếm được của người Hồi Giáo thì đã có trên 200.000 người đến cầu nguyện tại bức tường này.
Theo tục lệ thì những người có điều gì khao khát ước muốn nhất thì viết một bức thư rồi gắn vào một kẽ trong bức tường thì sẽ được toại nguyện vì được Thượng Đế cứu xét. Hàng ngày có hàng ngàn người tới viết “thỉnh nguyện thư“ lên Thượng Đế tại bức tường này nhưng sau đó thì các lá thư đó đều được thu góp lại và đem đi chôn cất tại ngọn đồi Olives.
Theo phong tục tại đây thì không ai được quyền xem những thỉnh nguyện thư đó vì sẽ làm mất đi sự “hiệu nghiệm”. Trong thời đại công nghệ ngày nay, nhiều công ty điện thoại đã tổ chức đón nhận những lời thỉnh nguyện bằng điện tín, điện thư FAX, e.mail rồi đem in để gắn lên bức tường.
Ngoài ra, Người Do thái giáo bắt buộc mọi người đến bức tường không được để đầu trần nên tại đây có một thùng để những chiếc mũ tròn bằng giấy của người Do Thái Giáo thường hay đội khi cầu nguyện gọi là “kippah” cho những ai không có mũ thì lấy đội lên đầu trước khi tới Bức Tường Linh Thiêng nhất của Do Thái Giáo. Là mũ gì cũng được miễn là phải đội mũ và phụ nữ nếu không có mũ thì đội khăn. Trước đây, phụ nữ không được cầu nguyện ở bức tường than khóc nhưng ngày nay phụ nữ được bình quyền, họ có khu vực cầu nguyện riêng ở phía Nam.
—
(Nguồn: Israel tại Việt Nam
Hình: Tri Thức Trẻ)