Ở Ein Karem, một ngôi làng ngoại ô Jerusalem ngày nay, có hai nhà thờ thánh Gioan Tẩy Giả: một của Công giáo, một của Chính Thống Giáo.
Nhà thờ Công giáo nằm ở trung tâm Ein Karem, được xác định bởi tòa tháp cao và duyên dáng với nhiều tên gọi Tiếng Anh là: Church of St.John The Baptist / Church of John the Baptist Ba Harim / the Catholic Church of the Nativity of St John, do dòng Phanxicô coi sóc và được xây trên địa điểm tương truyền là nơi thánh nhân chào đời. Cùng với Nhà thờ Thăm viếng, nhà thờ này là địa điểm quan trọng nhất liên quan đến thời thơ ấu của thánh Gioan Tẩy Giả.
Một tấm biển ở lối vào cho biết tên chính thức của thánh đường là “John Ba Harim”. “Baharim” trong tiếng Do Thái có nghĩa là “trên núi”. Theo tin mừng thánh Lu-ca, quê hương của thánh Gioan Tẩy Giả “ở miền đồi núi Giu-đê ” (Lc 1:39). (Tin mừng của thánh Lu-ca là nguồn duy nhất tường thuật sự giáng sinh của thánh Gioan Tẩy Giả).
Nhà thờ thánh Gioan Tẩy Giả được tạo nên từ những tàn tích của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Thậm chí đã có thời dân làng theo đạo Hồi dùng nhà thờ cổ để chăn nuôi gia súc.
Trong thời kỳ Thập tự chinh (1099-1291 CN), hai nhà thờ được xây dựng ở Ein-Karem là Nhà thờ John Ba Harim và Nhà thờ Thăm viếng. Sau khi quân Thập tự chinh bị trục xuất, các nhà thờ trở nên hoang tàn trong suốt 4 thế kỷ.
Khoảng năm 1621 đến 1674, các tu sĩ dòng Phanxicô đã cố gắng nối lại sự hiện diện của Kitô Giáo trong nhà thờ chính, nhưng phải đối mặt với sự quấy nhiễu của người Hồi giáo Ả Rập địa phương. Chỉ đến năm 1855, họ mới được phép đặt một cây thánh giá trên mái nhà thờ.
Nhà thờ đã được trùng tu vào năm 1857-1900 bởi nhà vua và hoàng hậu Tây Ban Nha. Gia đình Hoàng gia Tây Ban Nha ủng hộ nhà thờ cho đến ngày nay.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, một đơn vị pháo binh của Anh đóng trại trước nhà thờ. Trọng lượng của một trong những khẩu pháo gây ra một lỗ hổng trên sàn nhà. Năm 1939 – 1941, các tu sĩ dòng Phanxicô khai quật sân trước khi trùng tu, họ đã phát hiện ra một bể chứa nước cổ đại.
Họ cũng tìm được những nấm mồ, các căn phòng được cắt sâu vào đá, những công cụ dùng để ép quả nho và các nhà nguyện nhỏ với những hàng gạch khảm. Căn phòng ở phía nam chứa cổ vật dưới dạng gốm sứ có niên đại vào thế kỷ thứ nhất TCN đến năm 70 SCN, là bằng chứng cho thấy địa điểm này đã được người Do Thái định cư từ thế kỷ thứ nhất, thời của thánh Gioan tẩy Giả.
Trong sân nhà thờ, bài ca tạ ơn của ông Zachariah vì bà Elizabeth đã sinh hạ con trai (Lu-ca 1:67-79) được trình bày bằng 24 thứ tiếng.
Có thể nhìn thấy bên dưới lối vào cổng chính còn sót lại của một nhà nguyện từ thời kỳ Byzantine. Nội thất của nhà thờ được trang trí bằng gạch men màu xanh nhạt đặc biệt, một yếu tố phổ biến trong kiến trúc Tây Ban Nha.
Phía sau giáo đường bên trái là khu vực linh thiêng nhất của nhà thờ, được xây bên trên hang động đã chào đón sự ra đời của Thánh Gioan Tẩy Giả. Cái hang gọi là Grotto of the Benedictus (Hang của Người được Chúc lành).
Một bức tranh vẽ lại cảnh tượng thánh nhân làm phép rửa cho Chúa Giêsu được treo bên trên các bậc thang đá dẫn xuống hang. Khi đi hết bậc thang, người hành hương sẽ đối diện một bàn thờ có khắc dòng chữ “vị Tiền Hô của Chúa đã chào đời tại đây”.
Nhà thờ thánh Gioan Tẩy Giả là một phần quan trọng của Đất Thánh, và là một địa điểm không thể bỏ qua của bất cứ đoàn hành hương nào đến Đất Thánh.