Tháng 5 ở Jerusalem có các ngày lễ lớn của ba tôn giáo chính: Lễ Phục Sinh của Kitô giáo, Lễ Vượt Qua của người Do Thái và tháng Ramadan của người Hồi giáo, đã trôi qua với sự vắng bóng gần như hoàn toàn của du khách từ nước ngoài.
Thường vào thời điểm này trong năm, các địa điểm thánh và đường phố ở Thành cổ Jerusalem đều đông đúc khách du lịch và hành hương, nhưng nay đã vắng tanh trong suốt 8 tháng qua do cuộc chiến Israel-Hamas.
Vào buổi trưa, Via Dolorosa hoàn toàn vắng vẻ, ngoại trừ những người Hồi giáo trật tự tiến vào khu nhà thờ Al-Aqsa để cầu nguyện. Không có người hành hương nào đi đến Mộ Thánh. Nhà thờ Flagellation (nơi Chúa Giê-su bị kết án) nằm ở điểm khởi đầu của con đường Via Crucis (Đường Thương Khó) luôn mở cửa, nhưng nơi đó cũng trống rỗng.
Ở Gethsemane tình hình cũng không khá hơn
Tu sĩ Siniša Srebrenović, người giám hộ của Tu viện Agony thuộc dòng Phanxicô, nói với CNA: “Trước chiến tranh, mỗi ngày chúng tôi tiếp đón hơn một trăm nhóm hành hương, nhưng nay ngày nào nhiều thì chỉ có hai hoặc ba nhóm”. “Họ chủ yếu đến từ châu Á hoặc Nam Mỹ. Một số đến từ Đông Âu, phần lớn là những người theo Chính Thống giáo.”
Sự vắng mặt của du khách hành hương quốc tế cũng đồng nghĩa với việc không có nguồn thu.
“Anh em chúng tôi vốn nuôi sống mình bằng sự ủng hộ của những người hành hương. Tổ chức từ thiện từ du khách hành hương cũng giúp trang trải chi phí bảo trì các địa điểm thánh và một số dự án phát triển. Hôm nay, mọi thứ đều bế tắc. Các công nhân từ lãnh thổ Palestine không được phép đến làm việc, và nguồn tài chính cũng chỉ đủ cho ít người. Mặc dù vậy, cơ quan giám quản Thánh Địa của Dòng Phanxicô vẫn tiếp tục hỗ trợ tài chính cho người lao động của mình và không sa thải bất kỳ ai trong số họ.”
Tại Mộ Thánh, thời gian chờ đợi để vào thánh đường (nơi lưu giữ mộ Chúa Giêsu) chỉ còn vài phút, so với con số lên tới hai giờ vào năm ngoái. Cuộc rước kiệu hàng ngày của các tu sĩ dòng Phanxicô bên trong vương cung thánh đường chỉ có một số ít tín hữu tham dự, chủ yếu là cư dân Jerusalem.
Ngay cả Bethlehem cũng vắng vẻ
Majed Ishaq, tổng giám đốc bộ phận tiếp thị của Bộ Du lịch và Cổ vật Palestine, than thở: “Ngành du lịch ở Palestine thực sự bị loại bỏ. Mỗi ngày chúng tôi mất 2,5 triệu USD”.
Ông mô tả cho CNA thấy tình huống bi thảm này: “Các cơ sở du lịch bị đóng cửa; những người làm việc trong lĩnh vực này, bao gồm nhiều người theo Kitô giáo không có thu nhập trong nhiều tháng. Mọi người đang cố gắng bán nhà, xe, đồ nội thất để tồn tại.”
“Các tuyến du lịch quốc tế chỉ ghé ngang Israel rất nhanh vì các khu vực biên giới bị kiểm soát. Dù vẫn có thể tiếp cận Bethlehem, nhưng các thành phố ở phía bắc như Nablus hay Jenin, và cả Hebron xa hơn về phía nam, gần như không thể tiếp cận được. Ngay cả du lịch địa phương và du lịch nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các cuộc tấn công.”
Người ta hy vọng rằng ít nhất sẽ có điều gì đó chuyển biến vào cuối năm nay, đặc biệt là vào dịp lễ Giáng Sinh.
Theo dữ liệu từ Bộ Du lịch Israel, chỉ hơn 80.000 người (bao gồm cả khách du lịch và khách hành hương) đến nước này trong tháng 4 – giảm 77% so với tháng 4.2023 và 80% so với tháng 4.2019 là năm cao điểm trước đại dịch.
Thống kê từ tháng 1 đến tháng 4.2024 ghi nhận khoảng 285.000 lượt khách du lịch, giảm khoảng 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Sự suy giảm được cho là do tác động của cuộc chiến “the Iron Swords war” – Những thanh kiếm sắt – tên Israel đặt cho chiến dịch chống lại Hamas ở Dải Gaza sau sự kiện ngày 7.10.2023. Mặc dù trong những tháng vừa qua, số lượng khách du lịch đến Israel đã tăng lên nhất định, nhưng vẫn chưa thể xác định được tình hình tiếp theo.
Tiến sĩ Yaron Ergas, giám đốc nghiên cứu, thống kê và quản lý thông tin của Bộ Du Lịch Israel nói với CNA: “Trước đây Bộ Du Lịch tiến hành một cuộc khảo sát đối với các du khách. Khi được hỏi mục đích chính của chuyến thăm, tỷ lệ chọn “hành hương / tôn giáo” vào năm 2019 là 16,6%” trong số khoảng 5 triệu lượt. Nhưng từ tháng 10.2023 khi chiến tranh bùng nổ, chúng tôi đã dừng các cuộc khảo sát, vì vậy không có dữ liệu hữu ích nào về du lịch tôn giáo kể từ đó. Phải đến cuối năm 2025 mới có thể phục hồi được”.
Các số liệu thống kê khác tập trung vào những người hành hương Kitô giáo được Trung tâm Thông tin Kitô giáo (CIC) cung cấp cho CNA: Từ tháng 10 đến tháng 12.2023, khoảng 2.800 nhóm (107.000 người) đặt trước ít nhất một thánh lễ thông qua CIC và tất cả đều hủy bỏ ngay khi chiến tranh nổ ra. Trong số này, 95% là người Công giáo và 4% là người Tin lành. 90% là các nhóm đến từ nước ngoài. Còn từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, đăng ký qua CIC chỉ dao động từ 100 đến 200 nhóm mỗi tháng (trung bình 5.000 đến 6.000 người mỗi tháng).
Việc thiếu vắng những người hành hương Kitô giáo đến Đất Thánh là do nhiều công ty không đồng ý cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho những người muốn đến một lãnh thổ được coi là nguy hiểm và rủi ro.
Tuy nhiên, lượng khách đến từ Đông Nam Á và Nam Mỹ vẫn tiếp tục tăng (trong khi Hoa Kỳ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng người tham gia, thì đáng ngạc nhiên là nhóm thứ hai lại bao gồm người Indonesia).
Điều này phần lớn là do – như chính những người hành hương thừa nhận – các công ty du lịch không hoàn trả các chuyến đi trả trước, đó là khoản tiền mà nhiều người đã phải tiết kiệm rất lâu. Do vậy chuyến đi buộc phải diễn ra như đã lên kế hoạch.
Pini Shani, Phó tổng giám đốc kiêm trưởng phòng quản lý tiếp thị của Bộ Du lịch Israel, chia sẻ với CNA: “Chúng tôi muốn khuyến khích các nhà lãnh đạo Do Thái và Kitô giáo thúc đẩy các tín hữu của họ hành hương đến Thánh Địa. Chúng tôi cho rằng – và tôi cũng tin rằng họ có mong muốn đến thăm Đất Thánh”.
Niềm hy vọng vào Năm Thánh 2025
Vào năm 2025 sẽ có hai sự kiện trọng đại dành cho du lịch tôn giáo ở Thánh Địa:
“Một cuộc triển lãm đặc biệt về cuộn giấy Isahia sẽ được tổ chức vào năm 2025 tại Bảo tàng Israel nhân kỷ niệm 60 năm thành lập. Chúng tôi tin chắc rằng sẽ có nhiều người quan tâm. Chúng tôi sẽ cố gắng thu hút những người hành hương đến Thánh Địa để tham quan cuộc triển lãm đặc biệt này”, Shani nói.
Hơn nữa, vào năm 2025, người Công giáo sẽ cử hành Năm Thánh.
“Chúng tôi được khích lệ trước lời kêu gọi tổ chức Năm Thánh của Đức Thánh Cha. Các nhà thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, Nhà thờ Truyền tin ở Nazareth và Nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem sẽ là những điểm hành hương Năm Thánh. Mọi người sẽ được khuyến khích đến thăm những nơi này và chúng tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ giúp phục hồi ngành du lịch.”
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo chính ở Thánh Địa chưa bao giờ ngừng đưa ra lời kêu gọi những người hành hương quay trở lại Đất Thánh, như lời Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, Đức Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem nói vào cuối cuộc rước Chúa Nhật Lễ Lá: “Đừng sợ, hãy trở về Giêrusalem và Thánh Địa! Sự hiện diện của bạn luôn là sự hiện diện của hòa bình, và chúng ta thực sự cần hòa bình ngày hôm nay. Cầu mong các bạn đến và mang lại bình an cho chúng tôi”.
Âm vang của những lời đó cũng được nhắc lại trong thông điệp do Bộ Truyền Giáo đưa ra vào ngày 28.05 vừa qua, nhân dịp Ngày Du lịch Thế giới lần thứ 45 sẽ được tổ chức vào ngày 27.09 tới đây, với chủ đề “Du lịch và Hòa bình”. “Mối quan tâm lay động hàng triệu du khách có thể dễ dàng được liên kết với cam kết về tình huynh đệ, để tạo thành một mạng lưới ‘sứ giả hòa bình’ – những người lên tiếng với toàn thế giới để kêu gọi chấm dứt mọi xung đột và mở lại các vùng đất của lịch sử, văn hóa và đức tin. … Trở thành những người xây dựng hòa bình là điều cần thiết đối với những người tham gia một chuyến đi”.
(Du Hanh Viet Travel lược dịch tử CNA, 04.06.2024)